Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Linh mục đoàn GP Thanh Hóa tĩnh tâm năm 2011

Linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa tĩnh tâm năm 2011

Sau những ngày hăng say phục vụ trên cánh đồng truyền giáo, chiều ngày 21 tháng 11 năm 2011, linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa đã về Tòa giám mục – mái Nhà chung thân yêu, để tham dự tuần tĩnh tâm thường niên năm 2011.

Tĩnh tâm là việc trở về Nguồn hết sức cần thiết để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng trong ơn nghĩa Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ tác động làm cho tâm hồn những mục tử lắng dịu sau một quản thời gian mệt mỏi, uể oải trong thân xác và tâm hồn. Những ngày tĩnh tâm cũng là cơ hội để mỗi mục tử tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu – Linh Mục Thưởng Phẩm, để được thần khí Ngài dậy bảo, hướng dẫn trong chân lý và sự thật.

Giảng phòng cho linh mục đoàn Thanh hóa là Đức cha Phaolo Bùi văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho. Với chủ đề về Chúa Thánh Thần, ngài chia ra làm 8 bài với các đề tài :

1. Lắng nghe Chúa Thánh Thần
2. Chúa Thánh Thần và ơn gọi nên thánh của linh mục
3. Chúa Thánh Thần và thừa tác vụ rao giảng Tin Mừng của các linh mục
4. Canh tân việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ.
5. Thánh Thể là Bí tích tình yêu tự hiến.
6. Cử hành mầu nhiệm Vượt Qua.
7. Cử hành mầu nhiệm Hiệp Thông.
8. Chủ Nhật, ngày của hồng ân Thánh Thần.

Sau khi Đức cha Giáo phận Giuse Nguyễn chí Linh, cha Tổng Đại diện Phêrô Vũ tiến Phúc cùng linh mục đoàn chào thăm Đức Cha Giảng phòng, Đức Cha Giuse đã chủ sự giờ chầu Thánh Thể để khai mạc tuân tĩnh tâm, đồng thời ngài cũng mời gọi các linh mục cùng bước vào tuần tĩnh tâm trong bầu khí thinh lặng nội tâm, sốt sắng xin ơn Chúa Thánh Thần biến đổi, để trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Ngày khai mạc tuần tĩnh tâm nhằm vào ngày 22 tháng 11, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 62 của Đức cha giáo phận, nên trong giờ cơm tối, cha Tổng đại diện cùng quý cha quay quần bên vị cha chung để chúc mừng sinh nhật, cũng như có những lời chúc tốt đẹp dành cho ngài.

20g00, Đức cha giảng phòng bắt đầu với bài giảng đầu tiên : Lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Cùng hiệp thông với linh mục đoàn Thanh Hóa, nguyện chúc quý cha có một tuần tĩnh tâm sốt sắng trong tình yêu của Chúa Ngôi Ba.

Ban truyền thông giáo phận Thanh hóa









Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm

Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm
22.11.2011
Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô cảm”.
Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Đối với những người mắc “bệnh vô cảm” này, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Vấn đề vô cảm trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó hầu tìm ra phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này.
1. Thực trạng vô cảm của giới trẻ
Ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, hầu phục vụ cho nhân quần xã hội, dẫn đưa đất nước đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp đà tiến bộ của các nước trên thế giới. Nhưng thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào” hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.

Mới đây, cư dân mạng lại giật mình trước hành vi côn đồ của một nhóm nữ sinh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… với những màn đánh đập, xé áo, cắt tóc. “Người quay lại những hình ảnh đó là một nam sinh. Kèm theo những lời chửi bới của những cô gái hành hung, còn cổ vũ nhiệt tình, hứng khởi của anh chàng này: “Cởi áo đi, cởi áo đi, xé áo đi…!!!”[1]. Hơn nữa, nhiều người cũng ngỡ ngàng vì sự thờ ơ của những thế hệ 8x, 9x. Mặc dầu các bạn có điều kiện nhưng lại không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Rất nhiều người trẻ, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ nhưng lại bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có kẻ không những chẳng cứu giúp nạn nhân mà còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn.

Lại nữa, trong thời gian gần đây, tình trạng tội phạm giết người càng được trẻ hóa. Rất nhiều tội phạm đang ở thế hệ 8x, 9x. Chẳng hạn mới đây, dư luận xôn xao về vụ thảm sát, cướp tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). “Kẻ vô cảm” đã giết ba mạng người, đó là thanh niên Lê Văn Luyện, 17 tuổi. Có người đã nói: “Hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất dã man, tàn bạo, vô cảm chưa từng có từ trước tới nay”. Ngoài ra, còn có Hồ Nhật Linh,18 tuổi, ngụ tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đâm 95 nhát dao vào thai phụ có bầu 8 tháng tuổi, sau đó vứt xác nạn nhân xuống mương…

Thực trạng của “bệnh vô cảm” này đang diễn biến hết sức phức tạp. Một lần nữa, tiếng chuông báo động về sự vô cảm lại được rung lên, đặc biệt đối với giới trẻ. Ông cha ta đã thấy rõ được những tác hại của nó nên đã tích cực phê phán, lên án những thói xấu chỉ biết vun quén cho riêng mình:“Đèn nhà ai nhà ấy sáng”, hay “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động vô cảm ấy. Nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính bản thân mình.

2. Nguyên nhân dẫn giới trẻ đến vô cảm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.
 2.1. Nguyên nhân bản thân
Do bản thân họ thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại; họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình. Thêm vào đó, do ngoại cảnh tác động: khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào điều tốt, thế nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trên cuộc đời này. Đối với họ, nhà hàng xóm gặp hoạn nạn, có người thân mắc phải tệ nạn xã hội, họ cũng bàng quan như không hay biết, không hỏi han, cũng chẳng an ủi một vài lời. Trên đường đi, gặp người bị nạn, họ bỏ đi, chẳng thèm quan tâm sống chết ra sao, hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, giương đôi mắt ếch nhìn chung quanh, không hề giúp đỡ nạn nhân vì họ sợ phải gánh trách nhiệm. Gặp kẻ bất hạnh, tàn tật nằm bên vệ đường, họ chẳng những không thương xót mà còn khinh bỉ, rẻ rúng những con người kém may mắn đó. Quả thật, đó là những hành động đáng lên án.
Theo chuyên viên tư vấn Lý Thị Mai thuộc Trung tâm Tư vấn Hôn nhân và Gia đình TPHCM, cho biết: “Do tâm lý sống ‘chỉ biết mình’ khá phổ biến trong giới trẻ ngày nay, căn bệnh vô cảm đã thật sự xâm nhập và ăn sâu trong thế hệ trẻ hiện giờ!” Hơn nữa, sự vô cảm bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ là nguyên nhân khiến người ta cảm thấy cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, vô nghĩa. Hậu quả là, những xúc cảm đạo đức bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu.
2.2. Nguyên nhân từ gia đình
“Gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được”. Đây chính là bài học giáo dục công dân của học sinh cấp II. Thế mà ngày nay, trong nhiều gia đình, cha mẹ rất ít dạy con có sự đồng cảm với người khác, với những người chung quanh. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Triệu Hồng Như thuộc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hà Nội: “Cách phản ứng, hành vi của giới trẻ một phần là do học hỏi ngoài xã hội và một phần là do ảnh hưởng từ trong gia đình, cũng có khi là do lối sống mà giới trẻ tự tạo nên… Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng game online. Những cảnh bạo lực từ đấm đá đến chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trên ti vi, trong truyện tranh; những thú vui giải trí được giới trẻ yêu thích sẽ dẫn tới thờ ơ hay lãnh đạm với những việc xảy ra xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi”.
Đúc kết kinh nghiệm giáo dục con cái, ông cha ta đã khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn cây tre, phải uốn từ lúc tre còn non. Nhưng dường như nhiều gia đình ngày nay không coi trọng điều này, không quan tâm đến việc dạy con phải có sự đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ và biết tha thứ cho người khác. Bởi lẽ, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống, cũng không quan tâm dạy bảo con cái. Hiện nay, có bao nhiêu bậc cha mẹ chịu bỏ thời gian dạy con cái biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, dạy con có lòng khoan dung, độ lượng, vị tha và những chuẩn mực giá trị đạo đức mà con người phải sống theo và tôn trọng với tư cách là một con người?[2]
Hơn nữa, nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.
2.3. Nguyên nhân từ nhà trường
Nhà trường là nơi đào tạo ra những con người có tài đức, biết quan tâm đến mọi người và tích cực phục vụ cho nhân quần xã hội. Thế mà ngày nay, trong một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua lần chiếu lệ.
Bên cạnh một số thầy cô mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách. “Có thầy cô gọi học sinh là mày xưng tao, có thầy cô chêm cả những câu chửi tục vào lời nói của mình, có thầy cô quát mắng học sinh như kiểu dân chợ búa, … Chính các em đã phải thốt lên rằng “giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa như vậy thì trách sao học sinh không bắt chước”[3]. Những hành động đó ít nhiều xâm nhập vào thế giới quan của giới trẻ, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Sự vô cảm lẽ nào chẳng bắt nguồn từ đó? Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Nếu họ vô cảm thì sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Vì “vô cảm” họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò vô cảm như họ. Như thế, ta phải nói sao về những chủ nhân tương lai của đất nước? Đây chính là một mối họa lớn cho xã hội.
Quả thật, môi trường giáo dục đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Đó thật sự là mối lo ngại sâu sắc đối với ngành giáo dục và cả xã hội. Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân mà khiến người ta day dứt, trăn trở nhiều nhất, đó là căn bệnh vô cảm, nó giảm sút nghiêm trọng tinh thần đấu tranh đang bao trùm ở khắp nơi, với mọi đối tượng.
2.4. Nguyên nhân từ xã hội
Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống vô cảm không quan tâm đến những việc xung quanh. Theo GS Mark Bauerlein (Mỹ), khi càng sử dụng internet thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Khi blog, mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ được tự do thể hiện mình. Nhưng một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm hay vô cảm,…
Đồng thời, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến đạo đức truyền thống: một mặt, nó làm cho những giá trị truyền thống được phát huy, những giá trị đạo đức mới được hình thành; mặt khác, nó làm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng, đề cao cái tôi cá nhân lên trên cái ta cộng đồng, lấy giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng: “Dường như đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại dẫn đến các bạn trẻ sống vô cảm".
Hơn nữa, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào văn hóa của xã hội ngày nay. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại. Bên cạnh đó, do sự gia tăng những bất công xã hội, là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lối sống “phong bì”, người lớn không còn là tấm gương đạo đức cho giới trẻ, khiến đạo đức bị suy giảm.
3. Tác hại của căn bệnh vô cảm
Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái.
3.1. Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người
Một bác sĩ nếu “vô cảm” sẽ không có đủ tình thương đối với con bệnh của mình, sẽ đánh mất đi lương tâm của một thầy thuốc, sẽ quên đi phương châm: “Lương y như từ mẫu”. Chẳng hạn, trước một ca cấp cứu, bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng vì gia cảnh nghèo, không có tiền để đóng viện phí hay không có tiền để “bồi dưỡng” cho bác sĩ, thì “bệnh vô cảm” khiến cho bác sĩ ấy chậm trễ, thờ ơ hay không nhiệt tình cấp cứu bệnh nhân, cuối cùng để bệnh nhân chết oan uổng, gây đau khổ cho những người thân của họ. Càng đau đớn và chua xót hơn nếu bệnh nhân kia là cha mẹ, là người cột trụ về kinh tế trong gia đình. Họ phải tất tưởi ra đi, để lại những đứa con thơ dại, cha mẹ già không ai phụng dưỡng trong cảnh cô đơn, già yếu. Mới đây tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, chỉ vì sự vô cảm của bác sĩ và các y tá, đã dẫn đến cái chết oan uổng của một em bé chưa kịp chào đời. Chị Hao kể: “Chồng tôi đã bồi dưỡng bác sỹ An một triệu đồng, nhờ cứu cho mẹ tròn con vuông rồi gia đình sẽ “hậu tạ” sau. Thế nhưng, bác sĩ An không mổ ngay cho tôi mà đi vào phòng riêng ngồi xem vô tuyến đến tận 23h40, còn 2 hộ sinh nữ là Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh ngồi ở một góc phòng ăn bánh kẹo, nói chuyện, làm việc riêng để mặc cho tôi đau đớn trên bàn sinh. Tôi đau đớn khi biết con mình trong bụng đang chết dần chết mòn mà không thể cứu được. Tuyệt vọng, tôi cầu cứu các y tá đang ở gần đó nói giúp với bất cứ bác sĩ nào cũng được, mổ giúp tôi lấy con ra mà không một ai đứng dậy tìm bác sĩ. Họ vẫn cứ thờ ơ, thản nhiên ăn uống, cười đùa với nhau như không có chuyện gì xảy ra cả”[4]. Còn nói về người giữ sinh mạng của nhiều người như tài xế chẳng hạn, mà mắc “bệnh vô cảm” thì cái chết không chỉ mang đến cho một người. Người tài xế “vô cảm” sẽ coi mạng con người chẳng ra gì, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường để về trước, sẽ gây hậu quả khôn lường. Một vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận mới đây, đã cướp đi sinh mạng của mười người và rất nhiều người bị thương. Nguyên nhân cũng chỉ vì tài xế “vô cảm”, coi mạng người như cỏ rác.
3.2. Bệnh vô cảm có thể để lại tai họa lớn cho xã hội
Thầy cô giáo được xem là “kỹ sư tâm hồn”, là “cha mẹ thứ hai” của học sinh. Nhưng nếu “vô cảm” sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình trong việc giảng dạy, không có trách nhiệm trong việc giáo dục, hờ hững trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, không quan tâm đến chất lượng giảng dạy, chỉ biết dạy hết giờ là ra về còn kết quả ra sao không quan tâm! Vì “vô cảm” họ sẽ “đào tạo” ra những lớp học trò thiếu trình độ, thậm chí cũng… “vô cảm” như họ. Như thế, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Rường cột nước nhà sẽ ra sao, nếu không nói là đã mục nát ngay từ trong trứng nước? Quả thật, đó là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!
3.3. Bệnh vô cảm có thể đưa đất nước đến suy vong
Các cán bộ nhà nước là “đầy tớ của nhân dân”, hết lòng phục vụ cho công ích, điều hành mọi hoạt động của đất nước. Thế nhưng, họ lại “vô cảm” trước các nguyện vọng chính đáng của người dân, thì họ sẽ không thể nào nhìn thấy và thấu hiểu được những khốn khó trăm bề của dân đen. Thậm chí, lại không giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện về tài sản, đất đai của người dân; trái lại, còn nhũng nhiễu, gây khó dễ để được “chung chi”, hoặc trù giập, dùng vũ lực để chiếm lấy cho một tổ chức nào đó để mình được “phong bì” dằn túi riêng. Tất cả cũng chỉ vì tham lam, ích kỷ mà đánh mất đi cái lương tâm, cái phẩm chất đạo đức, cái tác phong nghiêm túc của một cán bộ “cho dân và vì dân”. Từ đó, nhân dân sẽ không còn tin tưởng vào chính quyền nữa, sẽ mạnh ai nấy sống, sẽ vơ vét cho riêng mình, sẽ sống “vô cảm” như cán bộ, chẳng ai lo cho lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, phó mặc cho ngoại xâm xâu xé đất nước, tự do giành đất giành biển của chúng ta. Chính những cán bộ “vô cảm” thiếu trách nhiệm này đã gián tiếp đẩy đất nước đến bờ vực của suy vong.
4. Để giới trẻ bớt vô cảm
“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì “vô cảm” cũng đáng sợ không kém. Bởi lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó, nó phá hủy toàn bộ nền kinh tế và chính trị của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cá nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích cực đẩy lùi căn “bệnh vô cảm” này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
4.1. Về phía bản thân
Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương của những người đạo đức, đồng cảm trong xã hội. Chẳng hạn mẫu gương các nữ tu đang phục vụ tại trung tâm Sida giai đoạn cuối - Mai Hòa - Củ Chi. Các nữ tu đã đồng cảm với số phận của những người kém may mắn qua cách phục vụ tận tình giúp đỡ họ. Chính vì thế, có những bệnh nhân đã phải thốt lên rằng: “Ở đây, chúng em thật là hạnh phúc vì có các nữ tu phục vụ chăm sóc tận tình và đồng cảm với số phận của chúng em còn hơn những người ruột thịt trong gia đình, chúng em có chết cũng mãn nguyện”. Hay mẫu gương của chàng sinh viên Hiến thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông TPHCM. Thấy một cô gái nằm sõng soài bên con lươn xa lộ, “quan sát kỹ hơn, Hiến hốt hoảng thấy hàng chục xe tải, xe khách, container cứ vô tư đi ngang qua, không ai thèm đoái hoài đến cô gái. Trong giây phút ấy, Hiến cùng Sơn vội vàng lao ra đường, không cần đắn đo, bế thốc cô gái, máu ướt đẫm chạy thẳng đến bệnh viện”[5].
Đặc biệt, chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh Đức Giêsu đã dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ, sự đồng cảm với người khác. Chúa đã thực hành trước khi dạy chúng ta: Ngài đã biết chia vui trong tiệc cưới Canna, Ngài cũng biết chia buồn với cái chết của Lazarô, của con trai góa phụ thành Naim… Hơn nữa, trong thư gửi tín hữu Rôma thánh Phaolô cũng đã nêu bật về sự đồng cảm với mọi người: “Vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14).
4.2. Về phía gia đình
Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho các em, không chỉ “dạy chữ’ mà nhất là phải “dạy người”. Hơn nữa, phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Đoàn: “Nếu người lớn có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế”.
Nhất là, gia đình phải tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con cái ngay từ nhỏ. “Không chỉ dạy trẻ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người để từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm. Con cái chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính những điều nhỏ nhặt này tạo nền tảng đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Và điều quan trọng, người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện.”[6]  
4.3. Về phía nhà trường
Môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đồng cảm với các bạn trẻ. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Vấn đề này, chúng ta thấy rõ trong các trường Công giáo và các cơ sở nội trú của các nhà Dòng. Các học sinh, sinh viên khi được giáo dục ở đó, họ không chỉ biết sống lễ phép với mọi người mà còn sống gương mẫu, ngoan ngoãn, và biết quan tâm yêu thương mọi người. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM: “Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.
Mặt khác, nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, sinh động, bằng cách khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh. Chỉ có như thế, cái xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới hết đất sống. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu tình nghĩa, yêu thương nhưng lại mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác thường nảy sinh, ẩn nấp dưới nhiều hình, nhiều dángvẻ trong cuộc sống.
4.4. Về phía xã hội
Xã hội nên quan tâm đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và biết giúp đỡ mọi người. Tiến sĩ Tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: “Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt hơn nữa”. Có người đã nói: “Cơn khát làm một người sống lương thiện, sống đạo đức cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Chính vì thế, họ đang cần được xã hội quan tâm giúp đỡ, nhất là mở những lớp học về cách ứng xử trong cuộc sống. Đồng thời, họ mong muốn những người có trách nhiệm nên làm gương cho họ”.
Kết luận
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” để nói nên tình cảm của con người với con người, chúng ta không thể đánh đổi bằng những vật chất tầm thường mà chỉ có sự chân thành quan tâm mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương.
Hơn nữa, một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, chẳng khác chi cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống. Chúng ta nên có một “trái tim nóng” để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người. Hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”; phải yêu thương, kính trọng và sống hết lòng với mọi người chung quanh; phải biết: “Vui cùng người vui, khóc cùng kẻ khóc (Rm 12,14). Đó là liều thuốc đặc hiệu để chữa “bệnh vô cảm”. Như vậy, giới trẻ mới là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam giàu đẹp, hiện đại và văn minh; xứng đáng với nòi giống “con rồng cháu tiên” của một dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Đức Giám mục Kontum: “tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp.”

Đức Giám mục Kontum: “tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp.”
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum đã gửi lá thư mục vụ tới toàn thể các thầy cô giáo trong giáo phận Kontum.
Trong lá thư, ngài đã đặc biệt nhấn mạnh tới những khó khăn mà quý thầy cô giáo đang phải đối diện. Theo ngài, khó khăn lớn nhất của các thầy cô giáo công giáo trong nền giáo dục hiện nay là “Chủ nghĩa vô thần Duy vật”, mà chỉ có lời cầu nguyện mới có thể phá bỏ được.
Đề cập tới chuyện Thái Hà những ngày qua, ngài cho biết: “tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp.”
Hình ảnh những giáo dân Thái Hà xuống đường những ngày qua đã thực sự đánh động những ai có lương tri trong xã hội hiện nay.
Chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả lá thư này để cùng cầu nguyện cho Thái Hà và cho Giáo hội Việt Nam.
NGÀY NHÀ GIÁO 2011
Kon Tum, ngày 20 tháng 11 năm 2011
Kính gửi Quý Thầy Cô,
trong Giáo Phận Kon Tum.
Mến thăm Quý Thầy Cô,
Ngày Nhà Giáo năm nay đã trở về đúng ngày lễ kính Chúa Kitô Vua. Vua vũ trụ, Vua của những con người có lòng thành có lòng yêu mến! Xin chúc mừng quý thầy cô và qua quý thầy cô xin chúc mừng tất cả các nhà giáo mà tôi đã được dạy dỗ cũng như đã cùng tôi phục vụ trong ngành giáo dục. Lời cầu chúc này tôi cũng muốn gửi tới tất cả những thầy cô nào sẵn lòng cho phép tôi được chúc mừng. Với lòng quý mến, xin gửi tới quý thầy cô đôi điều tâm sự mà tôi hằng ấp ủ trong những ngày này.
1. Vai trò quan trọng của nhà giáo
Vâng, quý thầy cô đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với tương lai Đất nước cũng như với Giáo hội, vì các thầy cô đang đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai!” Cao cả lắm! Nặng nề lắm! Gian nan lắm! Nhất là trong một xã hội có nền giáo dục được xây dựng trên nền móng “duy vật vô thần” trong khi thực sự tự đáy lòng quý thầy cô mang niềm tin tôn giáo lại không muốn như thế!!! “Cái nạn duy vật vô thần này”, khi còn nhỏ tôi vẫn được dạy phải cầu nguyện cho được thoát khỏi. Và ngày nay, nhiều người vẫn hỏi tôi có còn cầu nguyện như thế không? Tôi không ngần ngại trả lời: “Có chứ! Cầu nguyện liên tục. Cầu nguyện cho tôi cũng như cho mọi người thân yêu, trong đó có quý thầy cô.” Tại sao vậy? Vì con người không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc đời mình thì sẽ ra sao? Một xã hội cũng chẳng còn coi trời đất ra gì thì sẽ đi về đâu? Vì thế vai trò của các nhà giáo dạy dỗ, uốn nắn thế hệ trẻ hôm nay thành những nhà lãnh đạo ngày mai cần phải có một niềm tin tôn giáo đúng đắn mới có thể chu toàn được trọng trách cao cả này. Quan trọng biết mấy! Thật khó khăn biết mấy. Có thể ví các nhà giáo như những con người đang phải bơi lội ngược dòng thác lũ! Không thận trọng sẽ bị nhận chìm và lôi theo cả một lớp trẻ đơn sơ, trong trắng để mai ngày chính lớp trẻ này sẽ đứng ra xây dựng một xã hội không có văn minh tình thương!
Khi nói tới nạn duy vật vô thần, người đời thường nghĩ ngay tới nạn duy vật vô thần ở đâu đó hay ở trong một xã hội nào đó, mà không nghĩ ngay đến cái “nạn duy vật vô thần” ở ngay trong con người của mình, ngay trong cuộc sống của mình, ngay trong gia đình hay cộng đoàn của mình. “Duy vật vô thần ở bên ngoài tôi” xem ra có giá trị cảnh báo tôi, lay tỉnh tôi; còn cái “duy vật vô thần bên trong tôi” nó mới đáng sợ khủng khiếp, vì nó ngấm ngầm phá huỷ tâm hồn tôi, con tim tôi, đời sống tôi và dẫn tôi ngày càng xa anh em. Vì thế, tôi vẫn cầu nguyện – cho tôi và cho mọi người, cách riêng cho quý thầy cô giáo – luôn giữ được tâm hồn trong trắng như những đền thờ Thiên Chúa, không để cho vật chất làm chủ đời mình ngõ hầu có khả năng đào tạo lớp trẻ nên những con người trưởng thành hài hòa giữa cái tâm và cái đầu, giữa cuộc sống cá nhân và tập thể, để có thể cảm thông với và dám sống chết cho quyền lợi chính đáng của tha nhân là anh em của mình trong tình yêu Thiên Chúa, để người người có thể nói được như Thánh Phaolô Tông đồ dân ngoại: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20).
2. Lòng vô cảm :
Hiện nay hình như tình trạng vô cảm đang lan tràn khắp nơi. Nhiều người đang biến thành những con người không có tim! Hoặc nếu có lại là những con tim bằng sắt, bằng đá? Tôi xin đan cử vài trường hợp để cùng quý thầy cô suy nghĩ và thấy rõ vai trò của các nhà giáo quan trọng thế nào?
* Một cái bảng tuyên truyền đang được treo khắp cùng đất nước? Không biết có được bao nhiêu người đọc? Nếu thấy và đọc thì phải hiểu như thế nào. Tôi xin ghi lại đúng nguyên văn với 3 dấu nhấn – (1) in đậm, (2) gạch dưới và (3) in nghiêng - mà không dám bình luận thêm: “Nhiệt liệt hưởng ứng thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020”!!! Hình như tôi cũng đang vô cảm sao đó, nếu không nhận ra cái nét “độc đáo” của khẩu hiệu này?
* Vụ Thái Hà ở Hà Nội.
Mấy hôm nay vụ Thái Hà đã xâm chiếm tâm hồn tôi! Day dứt và xót xa! Xót xa vì cứ nghĩ “người Việt với nhau mà sao lại đến nông nổi này?” Day dứt vì cứ nghĩ “Đất Nước mình đang sống trong hòa bình mà cứ như đang có chiến tranh với giặc ngoại xâm?” Hay là “Những người có Đạo vẫn bị một nhóm người nào đó liệt vào hạng kẻ thù truyền kiếp nguy hiểm hơn cả những quân ngoại xâm chăng, nên cần phải tiêu diệt bằng mọi giá?” Hỏi thế thôi, nhưng chưa dám quả quyết! Nhưng vẫn tự hỏi: Hình như tôi cũng đang vô cảm sao đó? Nhưng có một điều, tôi xin cúi đầu cảm phục trước đoàn người dám sống dám chết cho một lý tưởng cao đẹp. Tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho mọi người Việt biết thương yêu nhau và biết giải quyết mọi tranh chấp trong tình nghĩa anh em một nhà, dân một Nước!
* Bao vụ tai tiếng tày đình!
Ít lâu nay báo chí khui ra nhiều vụ tai tiếng về kinh tế, về tài chánh, về giáo dục, về y tế. Chỗ thì thâm thụt to! Chỗ thì lỗ vốn lớn! Chỗ lại thừa thãi vung vãi! Chỗ thì biển lận khủng khiếp! Ồn ào một hồi! Dăm ba bài đàm tiếu! Xong rồi tất cả chìm trong “biển lặng”! Vì sao? Vì chán ngán? Vì tuyệt vọng? Và chỉ còn biết để thủ thân thủ thế! Mặc ai sống chết? Đời là thế chăng? Tôi lại tự hỏi: Phải chăng chính tôi cũng đang vô cảm?
Quý thầy cô rất thân mến,
Trên đây là chút tâm tình tôi xin được chia sẻ với các thầy cô. Cầu cho nhau cũng như cho thế hệ trẻ thoát khỏi nạn “duy vật vô thần ở ngay trong mỗi con người chúng ta”. Cầu cho một nền giáo dục đúng đắn để tất cả đều được đào tạo nên những con người trưởng thành có cái tâm ngay thẳng, có cái đầu phát triển hài hoà và có đôi tay rộng mở để dấn thân xây dựng một xã hội trên nền tảng chân lý, công bằng và yêu thương như Thầy Giêsu đã sống và đã dạy qua bản Hiến chương Nước Trời, bản Hiến chương Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5,1-12).
Thân mến,
Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo Phận Kontum.

TGM-TH » GIỚI TRẺ - SINH VIÊN

 TGM-TH » GIỚI TRẺ - SINH VIÊN
Giới trẻ xứ Thanh kết nối trái tim với quê hương quan họ… (Ngày thứ hai)
Cập nhật: 14.11.2011 16:00 | Đã đọc: 212
Từ 7 giờ 30 đến 8 giờ sáng 12/11 là thời gian để các Đức Cha các giáo phận đồng hành cùng các bạn trẻ trong giáo phận gửi lời chào đến đại hội. Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa thân yêu đã có mặt từ rất sớm. Người đã được biết đến là một giám mục thân thiện. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy Người cười nhiều đến vậy. Có lẽ cái tình anh em, cái tình hiệp thông và cái sức sống của giới trẻ lan tỏa đem lại cho Người niềm vui. Với những câu nói dí dỏm và giản dị, Đức cha Giuse thay mặt cho toàn thể giáo phận Thanh Hóa kính chào đại hội. Hưởng ứng với Đức Cha quê hương, các bạn trẻ xứ Thanh đưa cao mũ và khăn để tỏ tình thân ái tới Đại hội.
Xem hình

Thức dậy và khởi động ngày mới…
Người ta thường nói thức đêm mới biết đêm dài, nhưng với một đêm thức trọn ở Bắc Ninh sao vẫn thấy thời gian trôi nhanh quá. Có lẽ vì muốn thời gian trôi chậm lại, để chúng tôi – các bạn trẻ xứ Thanh có thêm thời gian ở lại với Bắc Ninh tình nghĩa. Cũng có lẽ tôi thấy trời mau sáng vì xung quanh tôi đây tất cả đều thức. Cả đêm các bạn trẻ các giáo phận làm quen, giao lưu với nhau bằng câu hát, bằng những trò chơi. Bên ngoài nhiệt độ xuống thấp, nhưng trong nhà thì hoàn toàn đối ngược. Thậm chí có nhiều người tuổi cao đi cùng đoàn tham dự đại hội cũng hòa vào không khí đó. Trên nhiều khuôn mặt mà dấu ấn của sương gió đã in hằn hiện lên nụ cười tươi tắn trước câu chuyện hay những trò chơi của các bạn trẻ.
Đúng 5 giờ 45, từ khắp các địa điểm, các bạn lại tập trung về phía lễ đài để dâng ngày mới cho Chúa.
Sau đó, các linh động viên cùng các bạn khởi động ngày mới bằng những cử điệu quen thuộc trong các bài hát chủ đề. Những cánh tay giơ lên có phần yếu ớt vì lạnh, có khuôn mặt còn bơ phờ vì thức trọn đêm nhưng chỉ một lúc sau thôi sức sống lại bừng lên. Như mặt trời mọc lên trong ánh ban mai, các bạn nhanh chóng lấy lại sức sống cho mình. Với âm điệu nhanh, khỏe khoắn, sinh động của bài hát “Yêu đời”, mặc trời đã tỏa nhiệt cho những tâm hồn trẻ ấy.
Sau khởi động ngày mới, các bạn di tản về địa điểm của các giáo phận để nhận phần quà ăn sáng từ ban tổ chức.
Từ 7 giờ 30 đến 8 giờ sáng 12/11 là thời gian để các Đức Cha các giáo phận đồng hành cùng các bạn trẻ trong giáo phận gửi lời chào đến đại hội. Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa thân yêu đã có mặt từ rất sớm. Người đã được biết đến là một giám mục thân thiện. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy Người cười nhiều đến vậy. Có lẽ cái tình anh em, cái tình hiệp thông và cái sức sống của giới trẻ lan tỏa đem lại cho Người niềm vui. Với những câu nói dí dỏm và giản dị, Đức cha Giuse thay mặt cho toàn thể giáo phận Thanh Hóa kính chào đại hội. Hưởng ứng với Đức Cha quê hương, các bạn trẻ xứ Thanh đưa cao mũ và khăn để tỏ tình thân ái tới Đại hội.
Từ 8 giờ đến 9 giờ là thời gian các bạn lắng nghe tâm tình về truyền thông công giáo của  Đức Cha Thái Bình Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội của HĐGMVN. Đức Cha Phêrô đã đưa ra cho các bạn trẻ cách hiểu đúng đắn về truyền thông công giáo, về đối tượng, về phương tiện truyền thông công giáo. Đề tài này tuy rằng không mới nhưng rất đáng được quan tâm trong xã hội thông tin như hiện nay. Truyền thông công giáo cũng giống như việc loan báo Tin Mừng, đó là truyền tải sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa. Qua lời chia sẻ của Đức Cha, tôi mới thấm thía ra rằng mỗi người sống tốt, sống đẹp lòng Chúa, sống thánh thiện cũng chính là một cách truyền tải thông điệp của Thiên Chúa. Quan trọng hơn, Đức Cha Phêrô đã phân tích những mặt tốt, mặt xấu của truyền thông nói chung và truyền thông công giáo nói riêng. Người chỉ ra cách thức để các bạn trẻ biết chọn lựa đâu là thông tin thiết thực cho mình.
Rất nhiều bạn trẻ đã nói lên những thắc mắc của mình về truyền thông công giáo. Bài diễn giảng của Đức Cha trở thành một cuộc hội thảo mở, các bạn đều có thể nói lên những ý nghĩ của mình.
Thánh lễ bế mạc…
Đúng 9 giờ 30, thánh lễ trọng thể đã diễn ra dưới sự chủ tế của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Cùng hiệp thông với Đức Cha Phêrô là quí Đức Cha, quí cha, quí thầy, quí sơ và hơn 22 nghìn bạn trẻ đến từ mười giáo phận trong giáo tỉnh Hà Nội. Dưới cái nắng gay gắt, khó chịu của ngày hanh khô, quí Đức Cha, quí cha và các bạn trẻ đều hòa vào không khí trang nghiêm, sốt sắng đón nghe Lời Chúa. Thánh lễ là phần quan trọng nhất trong hai ngày đại hội, vì vậy dù có mệt mỏi, dù đứng giữa trời nắng các bạn trẻ vẫn tham gia đầy đủ, im lặng để dâng lên Thiên Chúa của lễ tình yêu.
Thánh Lễ Đại Hội Giới Trẻ với ý nguyện chính: Cầu cho việc loan báo tin mừng.
Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục giáo phận chủ nhà Bắc Ninh trong bài giảng lễ đã gửi lời cám ơn tới quí Đức Cha, quí cha và các bạn trẻ đã đến với Bắc Ninh lần này. Đức Cha cũng đã đề cập đến những bước đi của giáo hội Việt Nam từ những ngày hạt giống Tin Mừng được gieo trên đất Bùi Chu. Qua bao nhiêu biến đổi, thăng trầm của xã hội, đến nay, tình yêu Thiên Chúa đã sưởi ấm biết bao con người. Đặc biệt trong giáo tỉnh Hà Nội thân yêu. Đức Cha cũng đã sơ lược lịch sử Đại hội Giới trẻ toàn giáo tỉnh Hà Nội. Qua đó, Người muốn nói lên vai trò to lớn của các bạn trẻ. Tương lai của xã hội và giáo hội đều do các bạn trẻ quyết định. Đức Cha đã nêu lên sứ điệp tình bạn của Chúa Giêsu trong Kinh thánh. Và hôm nay, cho dù đã hơn hai ngàn năm trôi qua, Chúa vẫn đồng hành cùng các bạn trẻ với sứ điệp đó. Mong rằng các bạn không chỉ lắng nghe mà còn tiếp thu tình bạn của Chúa Giêsu để sống đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau. Dù cho khó khăn thế nào các bạn trẻ cũng hãy nhớ rằng có Chúa là bạn, vì vậy mà vững vàng trước giông tố cuộc đời.
Sau thánh lễ là nghi thức trao thánh giá và cờ luân lưu đại hội cho giáo phận tiếp theo đăng cai tổ chức đại hội. Niềm vui đã đến với giáo phận Lạng Sơn cùng với Thánh Giá và cờ đại hội. Năm sau sẽ gặp lại tại địa đầu tổ quốc…
Chia tay và tạm biệt….
Thánh lễ kết thúc với những lời quyết tâm của các bạn trẻ. Qua thánh lễ và đặc biệt qua hai ngày có mặt tại Bắc Ninh, các bạn đã thấy được không khí của người trẻ sống trong Lời Chúa. Có rất nhiều bạn trẻ đến với đại hội nhưng không cùng tôn giáo đã phải thốt lên hai chữ “tuyệt vời”. Phải rồi, tuyệt vời thay những người bạn Bắc Ninh hiếu khách, những chàng Phù Đổng và cô Tấm thời hiện đại. Tuyệt vời thay tình anh em huynh đệ đậm đà của các bạn trẻ đến từ mười giáo phận. Tuyệt vời thay tình cha con đồng hành giữa linh mục đoàn với các bạn trẻ…
Các bạn trẻ chủ nhà chào tạm biệt với câu hát:
“Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo,
 trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi”.
Còn chúng tôi, những bạn trẻ xứ Thanh xin tạm biệt Bắc Ninh, tạm biệt đại hội với câu hát:     
Ai về, ai nhớ, ai quên
Mình về đến hẹn lại lên với người”…
Giới trẻ xứ Thanh kết nối trái tim với quê hương quan họ… (Ngày thứ nhất)

Thường huấn chương trình văn nghệ giáng sinh

Lễ khai giảng lớp thường huấn chương trình văn nghệ giáng sinh
Cập nhật: 15.11.2011 10:04 | Đã đọc: 135
Đức Cha cũng hi vọng các bạn học viên hôm nay sẽ là những hạt giống được gieo xuống, và mười năm, hai mươi năm sau từ những hạt giống ấy sẽ sinh sôi thành những cánh rừng rộng lớn. Các bạn đến đây không chỉ là học các động tác kỹ thuật mà còn là học cách tổ chức các hoạt động tương tự, để các phong trào của giáo phận ngày càng đi lên.
Xem hình

Để khởi động cho mùa Noel đang đến gần, sáng ngày 14/11/2011, tại nhà thờ Chính Tòa đã diễn ra lễ khai giảng lớp Thường huấn chương trình văn nghệ giáng sinh. Đây là lần thứ hai khóa học được triển khai nhằm tập huấn và truyền tải xứ điệp yêu thương qua điệu múa, câu hát.
Chính Tòa – trái tim giáo phận chào đón các học viên
Khóa học năm nay có tổng số 90 học viên đến từ các giáo xứ trong giáo phận. Khóa học kéo dài trong ba ngày, từ ngày 14 – 17/11/2011. Từ sáng sớm, cánh cổng nhà xứ Chính Tòa giang rộng vòng tay chào đón các bạn học viên. Giáo xứ Mẹ sẵn sàng chia sẻ nơi ăn, chốn ở, chỗ học tập cho tất cả các bạn học viên với thiện tình chia sẻ, liên kết các hoạt động của giáo phận. Giống như trái tim của Giáo phận, các bạn tập trung về với Chính Tòa và cũng từ đây, dòng nhiệt huyết sẽ lan tỏa ra toàn thể các giáo xứ. Các bạn học viên với nhiều độ tuổi khác nhau, trẻ có, già có, nam có, nữ có, rải rác có mặt để ghi tên với ban điều hành. Trong đó các bạn trẻ chiếm đa số.
Nhiều bạn học viên đến từ các giáo xứ xa như Bằng Phú, Thanh Thủy… có mặt muộn hơn. Nhưng cũng nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để chào đón Đức Cha, quí cha, quí sơ đến tham dự lễ khai giảng.
Lễ khai giảng
Đúng 10 giờ, lễ khai giảng bắt đầu. Tới tham dự lễ khai giảng có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, dù rất bận rộn với các công việc của giáo phận nhưng Người dành thời gian cho các hoạt động hiệp thông như thế này. Cùng với Đức Cha, dự lễ khai giảng còn có chị Phó tổng phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong khóa học với nhiệm vụ giảng dạy và điều hành. Bên cạnh đó, khóa học cũng rất vinh dự được chào đón các cha: Cha Giuse Nghiêm Văn Sơn, cha Phêrô Vũ Văn Hải, cha Antôn Vũ Mạnh Hà, cha Phêrô Vũ Văn Thăng tới dự lễ khai giảng. Sự hiện diện của Đức Cha, quí cha, quí sơ đã cho thấy sự quan tâm của giáo phận, của linh mục đoàn đến hoạt động diễn nguyện của đêm giáng sinh.
Sau khi nghe sơ Ánh Hồng – phụ trách khóa học báo cáo sơ qua về lớp thường huấn năm nay, Đức Cha Giuse có đôi lời tâm tình cùng các bạn học viên. Người tâm sự, từ khi nhận chức Giám Mục giáo phận Thanh Hóa, kim chỉ nam cho hoạt động của Người là “Xin cho mọi người hiệp nhất nên một”. Vì thế Người quan tâm hết mực tới những hoạt động mang tính hiệp thông, hay dễ hiểu hơn đó chính là tình liên đới,sự gắn kết của giáo phận. Khóa học này cũng chính là một hoạt động mang tính hiệp thông. Các bạn học viên qui tụ về đây không chỉ là học tập các động tác kỹ thuật mà là một cuộc giao lưu, giao lưu các giới đoàn, giao lưu các giáo xứ, giao lưu với các cha, các sơ… Từ những buổi học này, các bạn sẽ hâm nóng tình hiệp thông, làm bừng dậy sức sống và truyền ngọn lửa yêu thương, nhiệt huyết tuổi trẻ đến 138 000 giáo dân khắp giáo phận trong ngày trọng đại – ngày Chúa Giáng sinh xuống trần. “Vì thế các con – giới trẻ phải làm dậy sóng niềm vui bằng cách nắm tay nhau truyền sức sống, truyền đi niềm vui…”
Đức Cha cũng hi vọng các bạn học viên hôm nay sẽ là những hạt giống được gieo xuống, và mười năm, hai mươi năm sau từ những hạt giống ấy sẽ sinh sôi thành những cánh rừng rộng lớn. Các bạn đến đây không chỉ là học các động tác kỹ thuật mà còn là học cách tổ chức các hoạt động tương tự, để các phong trào của giáo phận ngày càng đi lên. Qua những phong trào thiết thực mà diễn nguyện là ví dụ, làm cho mọi người, kể cả những người bên lương hiểu được thông điệp tình yêu của Thiên Chúa.
Cha Phê rô Vũ Văn Hải và Chị phó tổng phụ trách Dòng Mến Thánh Giá cũng có đôi lời chia sẻ với khóa học. Tuy rằng cách thể hiện có khác nhau nhưng đều có chung một lời chúc ý nghĩa tới các bạn học viên. Các bạn là những chủ lực của các giáo xứ đã được cử đến để học tập, để giao lưu, để thắp sáng ngọn lửa yêu thương ra toàn giáo phận. Mong các bạn sẽ cố gắng hết mình phối hợp với ban điều hành để có được những kết quả tốt nhất.
Đáp lại tình cảm của Đức Cha, quí cha, quí sơ, một bạn đại diện cho các bạn học viên nói lên quyết tâm của mình.
Lễ khai giảng kết lại với lời tuyên bố khai mạc của cha Phêrô Vũ Văn Thăng.
Chúng ta cùng chờ đón kết quả học tập của các bạn, kết quả của hai chữ quyết tâm mà các bạn đã nêu lên trong lễ khai giảng. Đêm cuối cùng của khóa học các bạn cùng với ban điều hành sẽ tổ chức một chương trình giáng sinh hoàn thiện. Mong rằng đó sẽ là phần quà xứng đáng cho sự quan tâm của Đức Cha, của linh mục đoàn Giáo Phận và của những người đã chỉ bảo, đã đồng hành với các bạn suốt khóa học.
Maria Én Trần