Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

                        GIÁO HẠT MỸ ĐIỆN THI GIÁO LÝ MÙA CHAY NĂM 2012

Sáng nay, ngày 11/04/2012, tại giáo xứ Kẻ Rừa, hội thi giáo lý Mùa Chay của giới hiền mẫu toàn hạt Mỹ Điện đã diễn ra sôi nổi. Tham dự hội thi có cha Trưởng hạt cũng là cha xứ chủ nhà Antôn Phạm Văn Châu, cha Phaolô Trần Quang Kính – trưởng ban giáo lý giáo hạt Mỹ Điện, quí cha trong giáo hạt và 10 đội thi đến từ 9 giáo xứ và giáo họ Đa Nam.

Khai mạc hội thi giáo lý Mùa Chay hạt Mỹ Điện

Mỹ Điện là một trong số ít hạt có chương trình thi giáo lý cấp giáo hạt. Ý tưởng chính của cuộc thi là để cho mọi người có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau, nâng cao tình liên đới trong phạm vi hạt. Hơn nữa, thông qua những cuộc thi cấp cao hơn cấp giáo xứ này mà mọi người có tinh thần cố gắng và phấn đấu hơn trong việc học giáo lý. Hiền mẫu là giới đầu tiên tham gia cuộc thi. Sau đó sẽ là gia trưởng, thiếu nhi, giới trẻ … toàn hạt thi đấu với nhau. Với một cuộc thi mang cấp giáo hạt, các thành viên có mặt đều là những cá nhân xuất sắc, những bông hoa tươi thắm nhất, những học viên chăm chỉ nhất của các giáo xứ. Qua cuộc thi là lúc các thành viên này đại diện cho giáo xứ của mình báo cáo tình hình học tập giáo lý suốt Mùa Chay, cái gì được và chưa được để các cha xứ có điều kiện lấp đầy lỗ hổng, thiếu sót. Vì vậy, đồng hành cùng các đội thi có sự tham dự đầy đủ của quí cha hạt. Đó cũng nói lên sự hưởng ứng, sự quan tâm cũng như vai trò đặc biệt của cuộc thi.

Ban giám khảo và Ban thứ ký là quý cha hạt

Mỗi đội đến thi bao gồm có 10 người. Trong trang phục truyền thống là tà áo dài, các bà các mẹ, các chị trông tươi tắn hơn bao giờ hết. Ẩn sau tất cả vẫn là sự hồi hộp chung mà mỗi người đều trải qua trong một cuộc thi bất kỳ.

Đúng 8 giờ, cuộc thi được bắt đầu với lời giới thiệu của cha trưởng ban giáo lý giáo hạt Phaolô Trần Quang Kính. Cha Phaolô khẳng định “cái mà chúng ta nhận được nhiều nhất, thành công nhất, món quà giá trị nhất, phần thưởng ý nghĩa nhất của hội thi hôm nay là chúng ta có thể hội tụ với nhau, gặp gỡ nhau, giao lưu với nhau…” Cha cũng nhấn mạnh những thí sinh có mặt trong hội thi hôm nay là những thành viên xuất sắc, những bông hoa tiêu biểu từ các giáo xứ. Cha Phaolô cũng thay mặt ban tổ chức cuộc thi thông báo thể lệ cuộc thi, hướng dẫn cách trả lời, hình thức các câu hỏi… Tham gia cuộc thi có 10 đơn vị đến từ 9 giáo xứ và giáo họ Đa Nam (Kẻ Rừa). Như vậy sẽ có 10 bộ đề (vẫn đang còn niêm phong). Mỗi một bộ đề có câu hỏi về học thuộc: Kinh, Giáo lý, bổn, Kinh Thánh và một câu trả lời thiên về trình độ hiểu biết, thông minh về Kinh Thánh. Điểm hiểu biết cùng với điểm phong cách quyết định nhiều đến tổng điểm của các đơn vị.

Các thí sinh đang thực hiện phần thi của đội mình

Cha hạt trưởng hạt Mỹ Điện Antôn Phạm Văn Châu cũng khẳng định ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi chính là nâng cao tình liên đới trong giáo hạt. Hiền mẫu cũng là giới có vai trò đặc biệt trong mỗi cuộc thi, là những thành phần chăm chỉ nhất của việc học giáo lý. Vì vậy, các mẹ sẽ đóng vai trò tiên phong cho các giới đoàn tham gia vào cuộc thi giáo lý cấp giáo hạt. Cha cũng chúc các đội thi bình tĩnh, tự tin và giành được kết quả thi cao nhất. Bởi lẽ mỗi đội đến với cuộc thi đều đã là những người chiến thắng.

Cha hạt trưởng chính thức khai mạc cuộc thi.

Công bố kết quả và trao phần thưởng cho các đội

Sau huấn từ của cha hạt trưởng, cuộc thi được bắt đầu, các đội thi lên bắt thăm số thứ tự thi và bộ đề thi của giáo xứ mình. Nhận xét chung về cuộc thi, các cá nhân, các đội thi đều tích cực và nghiêm chỉnh tham gia cuộc thi. Về hình thức, các đội thi đều ăn mặc đúng phong cách, trang phục truyền thống chỉnh tề. Về các câu hỏi học thuộc, đa số các đội đều giành được điểm tối đa. Điều đó cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của các thành phần tham dự. Tuy nhiên về câu hỏi thông minh kiểm tra sự hiểu của cá nhân về một số chi tiết trong câu Kinh Thánh vừa học thuộc thì nhiều người lúng túng. Có lẽ vì câu hỏi lạ và do run nên nhiều người có câu trả lời chưa được tốt. Tuy vậy, qua cách trả lời của các đội thi, mới thấy được cái tình dành cho Thiên Chúa uy quyền của người lao động chân quê cũng đơn sơ, hồn nhiên và giản dị. Những câu giáo lý triết lý và cao vời qua cách hiểu của họ hóa ra lại đơn giản vô cùng…

Nghi thức bế mạc

11 giờ, cuộc thi kết thúc. Kết quả chung cuộc giáo họ Đa Nam (Kẻ Rừa) đạt giải nhất, giáo xứ Tiên Thôn đạt giải nhì. Còn lại tất cả các giáo xứ đạt giải ba. Một lần nữa trước khi bế mạc cuộc thi cha hạt trưởng Antôn nhấn mạnh cuộc thi chính là ý tưởng mới đầy sáng tạo. Nhờ đó mà đức tin, Thánh kinh ngày càng được mở rộng và lan truyền. Cha Antôn đáp lại mong muốn của vị trưởng ban liên lạc giáo hạt về cuộc thi chung hai giới gia trưởng hiền mầu kết hợp trong một ngày, để gia trưởng học tập hiền mẫu. Cha bày tỏ đó là ý kiến hay nhưng cần được sự đồng ý của các cha trong hạt. Đây sẽ là một gợi ý cho cách tổ chức cuộc thi ở lần sau.

Quý cha chụp hình lưu niệm cùng 10 đội thi

Không cần biết quà là gì, nhất, nhì, ba có gì khác nhau nhưng kết thúc cuộc thi mọi người đều quay quần trong mâm cơm huynh đệ. Người xứ này, kẻ xứ kia làm quen với nhau, hẹn nhau trong những dịp sinh hoạt chung, những lời mời về thăm nơi này nơi kia đã được gợi mở. Và thế là mỗi người sẽ có thêm những người bạn, người quen, người anh em ở nhiều nơi hơn. Đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà hội thi mang lại…

Hi vọng rằng trong lần tới, các giới còn lại sẽ cho thấy không chỉ hiền mẫu hạt Mỹ Điện mới làm nên một cuộc thi ý nghĩa…

gpthanhhoa.org

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Chúa nhật II Phuc Sinh - Năm B

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:
1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.
2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.
Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: "Bình an cho các con". Người còn thổi hơi vào các ông và nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.
3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.
Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.
4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".
Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.
Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.
Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.
                                                                                                                                           tinmung.net