Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Chúa Nhật V Mùa Chay
(Ga 12, 20-23)

HẠT LÚA MỤC NÁT
                                                                                                                      ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.
Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.
Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.
Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.
Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.
“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.
2- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?
3- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?
4- Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?
                                                                                                                         tinmung.net

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Chúa Nhật 4 Mùa Chay–năm B: Nhìn lên ánh sáng                        ĐTGM. Ngô Quang Kiệt



Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:
1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.
2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.
3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.
Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.
2) Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?
3) Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?
                                                                                 tinmung.net

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

LỄ GIỖ MÃN TANG CHA CỐ PHAOLÔ ĐINH TRÍ THỨC TẠI KẺ RỪA

Tròn ba năm kể từ ngày cả giáo phận Thanh Hóa tiếc thương chia tay cha Phaolo Đinh Trí Thức về bên Chúa, vào lúc 9 giờ 30 ngày 07/03/2012, thánh lễ giỗ mãn tang cha đã diễn ra trọng thể do Đức Cha giáo phận chủ sự tại thánh đường giáo xứ Kẻ Rừa.

Lễ giỗ mãn tang không phải là thánh lễ kết thúc lời cầu nguyện dành cho cha cố. Mà với thánh lễ này, mỗi người trong cộng đoàn thêm lời cầu nguyện, thêm nhớ tới vị linh mục ân tình, đơn sơ, dành hết cuộc đời của mình cho Chúa, cho giáo phận Thanh Hóa.


Cha cố Phaolô Đinh Trí Thức sinh ngày 01/07/1929 tại làng Tùng Chính, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ ơn gọi đã ăn sâu vào tâm trí của cha. Cho đến khi cha tròn 13 tuổi, được phép của cha chính xứ Điền Hộ, cha dự thi vào Tiểu Chủng viện Ba Làng. Cuộc hành trình tận hiến của cha cũng gặp nhiều chông gai, cản trở. Cha đã từng bị bắt, từng chịu cảnh tù tội.

Ngày 22/12/1962, cha được thụ phong linh mục bởi Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức – Giám mục Giáo phận Vinh. Cuộc đời linh mục của cha cũng bắt đầu từ đó.

Ngày 08/12/1965, cha trở về quê hương Thanh Hóa. Cha đã từng chăn dắt đoàn chiên Ngọc Đỉnh, Đại Tiền, Kẻ Rừa, Đông Quang…Trong đó, cha đã gắn bó với Kẻ Rừa kiêm Đông Quang hơn hai chục năm trời. Cũng chính vì vậy, Kẻ Rừa là nơi lưu giữ phần mộ của cha, là nơi hàng năm quí linh mục đoàn và bà con giáo dân về hiệp thông trong lễ giỗ cha.

Dù ở đâu, cha cũng thể hiện hình ảnh của một vị mục tử luôn gắn bó với đoàn chiên. Những năm tháng tuổi già tại Đông Quang, dù cho tuổi đã cao, sức yếu nhưng cha vẫn luôn sát cánh cùng bà con giáo dân trong việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ. Những năm tháng hưu dưỡng tại Tòa Giám Mục, cha đã thể hiện một cuộc sống hoàn toàn phó thác và trông đợi vào tình thương của Chúa.

Ngày 06/03/2009, cha từ trần trong sự bình an của Chúa, kết thúc cuộc đời tận hiến cho Chúa và cho mọi người trong tuổi 80.

Trong thánh lễ hôm nay, đông đảo quí linh mục đoàn cũng đã có mặt và hiệp thông trong lời cầu nguyện. Hơn 40 linh mục cùng với Đức Cha, cha Tổng đại diện, và rất đông bà con giáo dân các giáo xứ đã làm nên một thánh lễ trang nghiêm và sốt sắng. Thánh lễ như một lời tưởng niệm, là một chút bày tỏ tình cảm, sự nuối tiếc và lòng biết ơn chân thành đối với cha cố Phaolo.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha đã kể một câu chuyện mà người đời nay vẫn hay gọi là “Romeo và Juliet” của thế kỷ 21. Câu chuyện kể về một đôi tình nhân yêu nhau nhưng không đến được với nhau do cách trở biên giới. Mặc dù vậy họ vẫn giữ liên lạc, vẫn liên tục cố gắng để được bên nhau. Và thế là yêu nhau từ lúc tuổi còn xanh, nhưng lấy nhau khi đã trở thành ông, thành bà. Đó là bằng chứng cho ước mong của những người yêu nhau là được ở bên nhau.

Cũng với câu chuyện đó, Đức Cha nhắc nhở mọi người nhớ tới Chúa, nhớ tới tình yêu bao la mà Ngài dành cho con người. Người yêu thương con người một cách đặc biệt và Người cũng ao ước được ở bên con người chúng ta. “Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta phải hiểu rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi nhưng luôn luôn ở với nhau, cộng tác với nhau ngay từ khi tạo dựng nên trời, đất và tổ tiên loài người”…

Hôm nay chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho cha già cố Phaolo của chúng ta. Cha cũng là con người, cha cũng có nguyện ước thiết tha của con người là được đoàn tụ với Chúa trong quê hương vĩnh cữu - Nước Trời. Nghe tiểu sử chúng ta cũng thấy cha cố Phaolo trong suốt cuộc hành trình ơn gọi cũng như Kitô hữu của mình luôn luôn gắn bó với địa phận, gắn bó với con chiên. Có những lúc vì hoàn cảnh mà cha không thể về mục vụ tại quê nhà. Nhưng ước nguyện đồng hành cùng giáo phận không lúc nào nguôi trong tâm trí cha. Cuộc đời linh mục của cha cũng là cuộc hành trình gắn liền với quá trình thăng trầm của lịch sử giáo phận. Đó là giai đoạn giáo phận Thanh Hóa đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất.

Cha sống một cuộc đời đạm bạc, giản dị. Suốt một cuộc đời tận tụy, hi sinh. Tất nhiên cha cũng có những yếu đuối của con người. Nhưng tấm lòng của cha thì không ai không biết, đó là khát vọng gắn bó với đoàn chiên. Nhân ngày giỗ mãn tang, chúng ta thêm lời cầu nguyện cho khát vọng đó của cha cố thành hiện thức. Và rồi khi cha về Nước trời hưởng  phúc cha sẽ không quên chúng ta…

nguồn: gpthanhhoa.org